Tái phát hiện và dịch thuật Mông Cổ bí sử

Chỉ còn sót lại các bản sao của tác phẩm với hình thức phiên âm văn bản gốc tiếng Mông Cổ bằng Hán tự, kèm theo một bảng thuật ngữ trong dòng và một bản dịch mỗi phần bằng tiếng Hán. Tại Trung Quốc, tác phẩm được biết đến như là một văn bản dùng để dạy cho người Hán đọc và viết tiếng Mông Cổ vào thời nhà Minh và các bản dịch tiếng Hán đã được sử dụng trong một số sử tịch, song vào thập niên 1800, các bản sao đã trở nên rất hiếm.

Baavuday Tsend Gun (1875-1932) là học giả Mông Cổ đầu tiên đã chuyển tự Mông Cổ bí sử sang tiếng Mông Cổ hiện đại, vào năm 1915-17. Phát hiện đầu tiên về Bí sử ở phương Tây và cung cấp một bản dịch từ chú giải tiếng Hán là nhà Hán học người Nga Palladiy Kafarov. Bản dịch đầu tiên từ văn bản tiếng Mông Cổ được khôi phục lại là của nhà Hán học người Đức Erich Haenisch (phiên bản của văn bản khôi phục gốc: 1937; bản dịch: 1941, bản thứ hai 1948) và Paul Pelliot (1949). B. I. Pankratov đã xuất bản một bản dịch tiếng Nga vào năm 1962.[3] Sau đó, Tsendiin Damdinsuren đã chuyển tự biên niên sử này sang tiếng Mông Cổ Khalkha vào năm 1970.

Arthur Waley đã cho xuất bản một bản dịch một phần của Bí sử, song bản dịch đầy đủ đầu tiên sang tiếng Anh là của Francis Woodman Cleaves, với tên gọi The Secret History of the Mongols: For the First Time Done into English out of the Original Tongue and Provided with an Exegetical Commentary.[4] Ngôn ngữ cổ xưa mà Cleaves sử dụng không làm thỏa mãn tất cả mọi người, giữa năm 1971 và 1985, Igor de Rachewiltz đã xuất bản một bản dịch 11 quyển của loạt Papers on Far Eastern History với những lời chú thích mang tính rộng rãi ở cuối trang và không những vậy, nó còn bao gồm các khía cạnh của văn hóa Mông Cổ. Mông Cổ bí sử đã được các nhà nghiên cứu xuất bản bằng hơn 30 thứ tiếng.

Năm 2004, chính phủ Mông Cổ tuyên bố rằng bản sao của Mông Cổ bí sử được bọc vàng được đặt tại phần phía sau của toà nhà chính phủ.[5]